ĐÌNH ĐIỀU HÒA, MỸ THO - MỘT THOÁNG TRĂM NĂM DƯỚI MÁI ĐÌNH LÀNG

Tọa lạc trên con đường Trịnh Hoài Đức, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là ngôi đình cổ kính lưu giữ nhiều hiện vật quý giá mang tên Điều Hòa. 

Không thường xuyên mở cửa đón tiếp khách khứa tham quan như nhiều ngôi đình khác, đình Điều Hòa chỉ mở vào các dịp lễ, hoặc khi có những đoàn khách đặc biệt ghé đến. 


Được xây dựng khoảng từ năm 1792, đình Điều Hòa vừa là nơi thờ cúng Thành Hoàng Bổn Cảnh của người dân trong vùng, vừa là trạm dừng chân của quan lại dưới triều Nguyễn khi đi công tác ở địa phương. Đến giữa thế kỷ thứ XIX, khi không còn là nơi ghé đến nghỉ ngơi của các quan lại, đình Điều Hòa chỉ còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng và những vị tiền hiền*. 


*Tiền hiền: những người có công khai phá đất đai, lập nên làng ấp

“Dù đều là nơi thờ cúng Thành Hoàng, mỗi ngôi đình lại chứa đựng những câu chuyện riêng về lịch sử, văn hóa. Chỉ khi chúng ta tìm hiểu về các đường nét kiến trúc, hiện vật còn được lưu giữ, bảo tồn mới có thể cảm nhận hết được câu chuyện bên dưới mỗi mái đình” 


Phía trước sân đình là chiếc cổng tam quan thường thấy trong kiến trúc đình, chùa, miếu truyền thống ở Việt Nam. Trên cổng nổi bật là hình ảnh “Lưỡng Long chầu nguyệt”*, có phần mái lợp với góc và diềm mái cong uốn ngược. 


*Lưỡng Long chầu nguyệt: Hình ảnh mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh, thông qua hình ảnh hai con rồng quy phục trước mặt trăng để thể hiện sự thuần phục của tứ linh mạnh mẽ trước thánh thần 


Đi qua khỏi cổng chùa và khu vực sân đình lát gạch đỏ au, chúng tôi được người trông coi và săn sóc đình Điều Hòa - chú Há đón tiếp, dẫn vào tham quan khu vực phía bên trong đình. 

“Đình Điều Hòa là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô rộng lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thể hiện qua cấu trúc xây dựng và các mảng chạm khắc trang trí bên trong.”


Đình được xây theo lối chữ “Tam”, gồm có các khu vực vỏ ca*, vỏ quy (gian giữa) và chánh điện. Trái ngược với dáng vẻ đơn giản và bình dị bên ngoài, phía bên trong đình không khỏi làm người ta choáng ngợp bởi sự đồ sộ về số lượng của các hiện vật còn được lưu giữ. 


* Vỏ ca là gian trước của đình làng Việt Nam. Đây là khu vực thường được dùng làm nơi xây chầu và hát tuồng vào mỗi dịp lễ Kỳ Yên. 

“Như bị lạc vào một không gian khác, chúng tôi đi giữa khu vực chánh điện, ngắm nhìn những di vật có tuổi đời nhiều hơn cả một kiếp người...” 


Hiện khu vực phía trong đình còn lưu giữ, bảo quản các bộ sưu tập lư, đỉnh đồng, binh khí thờ và nhiều cổ vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XVIII - XIX. Trong khu vực chánh điện và gian giữa, hiện ra và thu hút chúng tôi là các mảng chạm khắc công phu “Long Phụng tranh châu”, “Bát tiên cưỡi thú”. Ở phía trên các bao lam là những bức chạm khắc Tứ Quý, Tứ Linh, Mai Điểu, Tùng Lộc, trên cùng là tấm hoành sơn son thếp vàng, chạm khắc Tứ Linh.








Vốn ban đầu, đình tọa lạc ven bờ sông Tiền. Đến năm 1904, vì ảnh hưởng nặng nề của bão nên đất đai ven sông Tiền bị sạt lở và xuống cấp nhanh chóng. Trước tình trạng đó, đình được dời đến khu vực cao ráo, thoáng đãng hơn, cách khu vực cũ tầm 300m. Đầu năm 1913, công cuộc di dời hoàn tất, đình Điều Hòa tọa lạc tại đó cho đến tận bây giờ. 

Cũng chính thời gian này, mọi người mới thống nhất lấy tên gọi “Điều Hòa” để đặt cho đình. Trong đó, chữ Điều được lấy từ “Phong điều vũ thuận” (mưa thuận, gió hòa) và chữ Hòa lấy từ chữ Hòa của 3 ấp Hòa Thới, Hòa Mỹ và Hòa Hảo, chính là các ấp thuộc làng Điều Hòa ngày trước.


Ban đầu, đình được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, đá. Về sau, theo sự thay đổi của thời đại, trong quá trình trùng tu và tôn tạo, người ta sử dụng thêm các vật liệu xây dựng hiện đại như xi măng, gạch men, … để tăng mức độ bền chắc, an toàn cho mái đình. 

“Tại đình Điều Hòa, không thiếu những khu vực có sự trùng thu, sơn sửa hay thay thế, nhưng đó là điều tất yếu phải xảy ra theo dòng chảy của thời gian.” 


Ở khu vực hậu đình, những chiếc cột gỗ đã được gia cố thêm các trụ kim loại. Ở khu vực chánh điện, những cánh cửa chính đã được thay mới, cửa sổ cũng được sơn mới, … Nhiều thứ đã dần bị thay thế bởi các yếu tố của thời đại mới, tuy trông tinh tươm và mới mẻ, nhưng cũng không khỏi khiến người ta băn khoăn về giá trị lịch sử, cũng như thời đại mà những di tích như đình Điều Hòa cần có. 





Vậy làm sao để mái đình vẫn đảm bảo về kết cấu kiến trúc theo thời gian, nhưng lại không bị mất đi những nét đẹp vốn có của một công trình lịch sử mang tính thời đại? Có lẽ đây là câu hỏi mà không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người quan tâm đến các di tích lịch sử đang loay hoay đi tìm lời giải. 

“Vì khi đủ quan tâm thì chúng ta sẽ mong muốn gìn giữ trọn vẹn nhất những giá trị vốn có của các công trình xưa cũ

Nhưng chẳng điều gì thắng nổi được thời gian, những mái đình cổ vẫn có lúc cần được trùng tu, sửa chữa… “


Càng thấu hiểu những đổi thay nhanh chóng của thời đại, chúng tôi càng muốn lưu giữ nhiều hơn nữa các hình ảnh, tư liệu về những công trình kiến trúc xưa cũ này. 

Và có lẽ trên chuyến hành trình tìm về với văn hóa, lịch sử mà chúng tôi đang theo đuổi, việc được ghé đến thăm quan, tìm hiểu những công trình, khám phá các hiện vật còn được lưu giữ và bảo tồn gần như vẹn nguyên là một điều may mắn. 

Vì đâu ai chắc nhiều năm về sau nữa, những ngôi đình như Điều Hòa có còn giống như hiện nay…