LOGO TRUYỀN TẢI CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU CỦA DOANH NGHIỆP NHƯ THẾ NÀO?

Nhắc đến logo, người ta thường nhắc đến những hình ảnh, chữ cái, cùng màu sắc mang dấu ấn riêng của thương hiệu, góp phần giúp doanh nghiệp truyền tải câu chuyện thương hiệu của mình. 

Đâu là cách để logo truyền tải câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp? Hãy cùng M&M Communications tìm hiểu ngay dưới đây.

Tìm hiểu về logo 

Logo là từ ngữ vắn tắt của logotype, theo nghĩa Tiếng Việt là một dạng biểu trưng được tạo thành từ văn bản hay hình ảnh và mang tính đại diện, nhận diện cho doanh nghiệp, thương hiệu. Ví dụ như nhắc đến thương hiệu Apple, người ta sẽ nghĩ ngay đến logo hình quả táo cắn dở, hay KFC là hình ảnh của ông già đeo nơ, McDonald’s là chữ M màu vàng, …  Những logo tạo được sự ấn tượng sẽ dễ khiến khách hàng nhớ đến thương hiệu hơn.

Hầu hết mọi hoạt động về Marketing, Branding hay Production của doanh nghiệp đều có sự liên hệ mật thiết với logo. Tuy nhiên, để có cái nhìn sâu hơn về logo, chúng ta cần tìm hiểu về lịch sử hình thành của nó. 

Lịch sử hình thành và phát triển

Vốn có bắt nguồn từ từ “lógos” với ý nghĩa là “khẩu hiệu” trong tiếng Hy Lạp, logo trong lịch sử được sử dụng như một loại mật mã để truyền đi những thông điệp bí mật từ vua hoặc các nhà cầm quyền. Logo chỉ thật sự gắn liền với thương hiệu bắt đầu từ thế kỷ XIII khi mà thời đại buôn bán phát triển, và mãi cho đến cách mạng công nghiệp thì việc thiết kế logo mới được quan tâm và biết đến nhiều hơn. 

Với sự phát triển không ngừng của các hoạt động về Marketing, Branding, cùng với nhu cầu sản xuất hình ảnh chuyên nghiệp ngày một gia tăng của các doanh nghiệp, nhu cầu về logo và thương hiệu đã ngày càng gia tăng trong các hoạt động kinh doanh. Logo hiện diện ở mọi góc độ - từ giao diện của trang web, danh thiếp, bao bì sản phẩm cho đến chiến dịch email marketing và các tấm quảng cáo flyer... Điều quan trọng là logo không chỉ là một biểu tượng, mà còn đại diện cho một loạt giá trị quan trọng mà doanh nghiệp mang lại.

Vai trò của logo đối với doanh nghiệp

Không đơn thuần là một biểu tượng mang đậm chất riêng của doanh nghiệp, logo với thiết kế và màu sắc khác biệt còn là phương tiện giúp doanh nghiệp định hình bản sắc thương hiệu của mình. Thông qua logo, phần nào các thông tin về ngành nghề, dịch vụ, hay giá trị của thương hiệu cũng được truyền tải một cách tinh tế đến với khách hàng.

Con người có trí nhớ hình ảnh và cảm xúc tốt hơn so với trí nhớ từ ngữ nên logo còn giúp tạo ra sự liên tưởng mạnh mẽ về thương hiệu, giúp tăng khả năng nhận diện cho thương hiệu trên thị trường. Từ đó, gia tăng sức cạnh tranh so với các thương hiệu khác. Minh chứng rõ ràng nhất là logo của các thương hiệu đình đám như Apple, Nike hoặc McDonald’s với hình dạng và màu sắc đặc trưng giúp khách hàng gợi nhớ ngay đến họ. 

Sự đồng bộ logo trên mọi mặt trận - từ danh thiếp, ấn phẩm, bao bì sản phẩm, cho đến các nền tảng xã hội, tờ rơi, biển quảng cáo, … giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp thống nhất, tạo dựng lòng tin và sự trung thành của khách hàng. Từ đó, tác động đến quá trình mua hàng dựa trên các trải nghiệm mua sắm tích lũy trước đó.

Mối quan hệ giữa logo và câu chuyện thương hiệu

Mặc dù logo và câu chuyện thương hiệu là hai khái niệm khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. 

Cụ thể, logo là một yếu tố hình ảnh, có tác động trực tiếp lên thị giác của khách hàng, giúp gắn kết thương hiệu với họ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, câu chuyện thương hiệu là một loạt từ ngữ và thông điệp mang tính cảm xúc, nhằm tạo ra sự đồng cảm từ khách hàng. Tuy nhiên, việc truyền đạt câu chuyện thương hiệu một cách hiệu quả đòi hỏi thời gian và cách diễn đạt đúng đắn .

Câu chuyện thương hiệu

Được ví như bức tranh sống động của một doanh nghiệp, câu chuyện thương hiệu hay Brand Story bao gồm những sự kiện quan trọng đã khởi đầu và thúc đẩy sứ mệnh, tầm nhìn doanh nghiệp. Câu chuyện thương hiệu được dẫn dắt bằng ý nghĩa của việc khởi đầu xây dựng thương hiệu, nối tiếp đó là quá trình phát triển để đạt được thành công rực rỡ như thời điểm hiện tại.

Câu chuyện thương hiệu không chỉ là công cụ đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng mà còn là yếu tố có tác động sâu đến tâm trí của họ. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tâm trí con người phản ứng đặc biệt mạnh mẽ với những câu chuyện vì chúng có khả năng tạo ra cảm xúc, kích thích giác quan và thậm chí thay đổi hành vi của người nghe hoặc đọc. 

Logo truyền tải câu chuyện thương hiệu như thế nào? 

Các nội dung về thông tin ngành hàng, giá trị của doanh nghiệp truyền tải qua câu chuyện thương hiệu sẽ được logo truyền tải đến khách hàng thông qua các thông điệp được cài cắm trong từng hình ảnh, font chữ, màu sắc.

Một ví dụ điển hình là logo của mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ Bí Đảo Núi Lửa Lý Sơn” đã truyền tải được câu chuyện mà dự án cộng đồng này muốn gửi gắm về văn hóa ẩm thực và thiên nhiên hoang dã tại hòn đảo Lý Sơn. Trong logo này, chúng ta dễ dàng thấy được hình ảnh tỏi Lý Sơn - một đặc sản tạo nên danh tiếng của vùng biển đảo này, cùng với các hình ảnh thể hiện cho đặc trưng vị trí địa lý của đảo Lý Sơn như núi lửa và sóng biển. Tất cả yếu tố được kết hợp tinh tế với nhau, vừa truyền tải văn hóa ẩm thực, địa lý, vừa đại diện cho thiên nhiên và tình yêu biển đảo của con người nơi đây. Từ đó, hình thành nên một logo “Kỳ Bí Đảo Núi Lửa Lý Sơn” để kể tới công chúng câu chuyện của vùng biển đảo xinh đẹp và ưu nhã này.

Hiểu một cách đơn giản, nếu ví câu chuyện thương hiệu là một cuốn sách thì logo chính là trang bìa. Một logo tốt sẽ đủ ấn tượng và thu hút, khiến khách hàng sẵn sàng lật giở cuốn sách để đọc các trang tiếp theo, mong muốn tìm và hiểu thêm về câu chuyện thương hiệu đang ẩn giấu sau trang bìa hấp dẫn. 

Liệu logo có truyền tải được trọn vẹn câu chuyện thương hiệu?

Quay trở lại với ví dụ cuốn sách và trang bìa. Một cuốn sách dù dày hay mỏng, giá trị mà nó mang lại không nằm ở phần bìa mà là ở nội dung bên trong, được thể hiện thông qua mục lục và các chương sách. Một trang bìa tốt có thể gợi người ta về khái quát nội dung của cuốn sách, nhưng không thể biết được các tình tiết, diễn biến và nhân vật bên trong đó. Như vậy, nếu chỉ thông qua logo, liệu khách hàng có hiểu hết về câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp? 

Các yếu tố font chữ, màu sắc và hình ảnh là những mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên một logo hoàn chỉnh. Còn đối với câu chuyện thương hiệu, logo là yếu tố “cần” để hỗ trợ truyền tải, nhưng lại chưa phải là yếu tố “đủ” trong công cuộc truyền tải đó. Hay nói một cách khác - sẽ rất khó để logo truyền tải trọn vẹn câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp nếu không được kết hợp cùng các yếu tố khác. 

Cụ thể, ngoài logo, câu chuyện thương hiệu chỉ thật sự có sự lan tỏa rộng rãi và trọn vẹn, tác động được đến nhận thức, cảm xúc của khách hàng khi được truyền tải thông qua các yếu tố khác trong Marketing, Branding hay Production như slogan, các ấn phẩm truyền thông, nội dung hình ảnh, phong cách thiết kế của doanh nghiệp, … 

Nếu doanh nghiệp của bạn đang có mong muốn hoàn thiện các yếu tố về Marketing, Branding hay Production như logo, slogan hay các ấn phẩm truyền thông để có thể truyền tải trọn vẹn câu chuyện thương hiệu của mình thì hãy liên hệ với chúng tôi - M&M Communications luôn sẵn sàng là đối tác hỗ trợ doanh nghiệp bạn. 

Kết luận

Như vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của logo trong việc truyền tải câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp đến khách hàng. Tuy nhiên, cũng giống như việc không thể đánh giá một quyển sách khi chỉ nhìn vào trang bìa, một logo có tốt, có nổi bật và thu hút đến đâu thì cũng không thể truyền tải 100% câu chuyện thương hiệu mà doanh nghiệp muốn gửi gắm đến khách hàng nếu không có sự hỗ trợ của các yếu tố khác.